Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu: Những yếu tố cơ bản
Nhận diện thương hiệu là gì?
Hệ thống nhận diện thương hiệu là một công cụ quảng bá thương hiệu hữu hiệu nhất. Đây được xem là cách “ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất ” đối với những chiến lược truyền thông thương hiệu. Hệ thống nhận diện thương hiệu được bắt đầu bằng tên (Brand name) và Biểu trưng (Logo). Thương hiệu, nó được xây dựng dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố mang tính đồng bộ và nhất quán. Để có hệ thống nhận diện thương hiệu mạnh phải có một ý tưởng cụ thể, khác biệt, dễ nhớ, đáng tin cậy, uyển chuyển, linh động và đồng nhất. Có những đặc trưng bản sắc văn hóa riêng, nổi bật nhằm thể hiện được sắc thái và phong cách phù hợp với hình ảnh thực của doanh nghiệp so với các thương hiệu khác. Từ đó, cơ hội nhận biết về hình ảnh doanh nghiệp sẽ lớn hơn trong quyết định lựa chọn của khách hàng, những lợi ích riêng biệt mà khách hàng cảm nhận có được khi lựa chọn thương hiệu của bạn, những đặc điểm giúp cho thương hiệu của bạn trở nên nổi bật và để lại dấu ấn khắc ghi trong lòng khách hàng.
Để làm được điều đó ta phải nắm rõ các yếu tố cần thiết trong việc thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu.
A . Bộ sản phẩm nhận diện thương hiệu
Để có một thương hiệu mạnh, một thương hiệu chuyên nghiệp cần có một bộ sản phẩm nhận diện thương hiệu cơ bản như sau:
1. Những yếu tố nhận biết cơ bản
• Biểu tượng (Logo), tên thương hiệu (Brand name)
• Câu slogan
• Màu sắc (chủ đạo) trong các tài liệu truyền thông
• Kiểu chữ trong các tài liệu giao dịch và truyền thông
2. Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên các tài liệu văn phòng
• Danh thiếp
• Giấy viết thư (giấy tiêu đề)
• Phong bì thư (phong bì lớn, nhỏ)
• Folder (bìa kẹp hồ sơ)
• Thẻ nhân viên
• Notepag (giấy ghi chép)
• Sổ tay
• Đồng phục nhân viên văn phòng
• Đồng phục nhân viên bán hàng
• Đồng phục nhân viên giao nhận
• Background PowerPoint
• Newsletter
• Forum Message
• Register Message
• Invited Email
• Wallpaper (Desktop)
• Kỷ niệm chương
• Huy hiệu
3. Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên sản phẩm và bao gói
• Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên sản phẩm
• Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên tem nhãn dán lên sản phẩm
• Dấu hiệu nhận biết thương hiệu in trực tiếp lên sản phẩm
• Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên bao gói sản phẩm
• Bố cục trình bày dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên bao gói sản phẩm
4. Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên các biển hiệu
• Biển hiệu công ty
• Biển hiệu phòng ban
• Biển hiệu tại quầy lễ tân và phòng họp
• Biển quảng cáo
• Biển hiệu đại lý
• Quầy reception
5. Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trong truyền thông marketing
• Ấn phẩm quảng cáo
• Thiết kế gian hàng hội chợ, showroom.
• Quảng cáo trên các phương tiện vận chuyển.
• Hàng khuyến mãi (Bút, nón, áo, áo mưa, móc khóa,…)
• Website (Thiết kế giao diện)
• Túi giấy hoặc túi nhựa.
• Nhãn đĩa CD, vỏ đĩa CD
B . Các yêu cầu cần thiết để thiết kế bộ sản phẩm cơ bản
Để bắt tay vào việc thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu thì việc đầu tiên là đặt tên, thiết kế logo, chọn màu chủ đạo và họa tiết đặc trưng cho doanh nghiệp đó. Muốn tìm ý tưởng cho logo, cũng như cách chọn màu sao cho phù hợp ta cần phải dựa các thông tin sau:
- Chức năng của doanh nghiệp đó là gì?
- Sản phẩm (chủ chốt) của doanh nghiệp đó như thế nào?
- Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp? (đối tượng nào?)
- Giá trị sản phẩm của doanh nghiệp ở cấp độ nào?
Từ những thông tin này ta bắt tay vào việc chọn tên và thiết kế logo sao cho phù hợp với những thông tin trên.
I. Cách đặt tên cho doanh nghiệp:
Về cách đặt tên, chọn tên thì không có một chuỗi các sự kiện hợp lý nào hứa hẹn sẽ dẫn bạn tới các kết quả đặt tên hoàn hảo.
- Không có một bộ các nguyên tắc đặt tên chuẩn mực nào bạn phải tuân thủ theo.
- Song luôn có những ý tưởng và chỉ dẫn nhất định bạn nên nắm vững mặc dù không phải không có những ngoại lệ cho mọi nguyên tắc.
Quy trình đặt tên cũng có những nét riêng biệt của nó. Bạn có thể chọn những tên phù hợp với độ tuổi, đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp, chẳng hạn: Cutie, Sunny, Honey dành cho đối tượng trẻ em hoặc chọn một cái tên nói lên thế mạnh của doanh nghiệp như: Puissant, Riche hoặc một cái tên mang phong cách của sản phẩm chủ chốt của doanh nghiệp: Elegant, Smart. Nhưng tất cả các tên gọi vẫn phải lưu ý và cân nhắc với những yếu tố cơ bản sau:
1. Dễ dàng phát âm và đánh vần.
2. Dễ nhớ.
3. Đừng quá tham về mặt ý nghĩa hoặc quá cứng ngắc với việc đặt tên. Ví dụ: Công ty Phượng Hoàng Hồng Ngọc Bảy Quốc Tế. Nhưng cái tên như vậy có thể gây trở ngại cho sự phát triển sau này.
4. Dễ dàng với những con số.
5. Đừng sử dụng những cái tên có thể có một ý nghĩa tiêu cực trong các ngôn ngữ khác. Đôi khi ở quốc gia này thì cái tên đó bình thường nhưng ở quốc gia khác lại có ý nghĩa sai lệch sang hướng không tốt.
6. Chắc chắn tên gọi đó không chọc giận bất cứ nhóm người nào (tôn giáo, chủng tộc,…).
7. Tìm kiếm các nhãn hiệu hiện tại đối với các tên tiềm năng.
8. Tạo được sự khác biệt
9. Đảm bảo rằng cái tên có thể được đăng ký bảo hộ.
II. Logo là gì? Những yếu tố cơ bản nhất để thiết kế logo:
Logo là từ chúng ta thường gọi và rất thông dụng, nhưng nó như thế nào? Logo là biểu tượng thương hiệu, là một phần tử đồ họa, ký hiệu hoặc biểu tượng còn gọi là icon của một thương hiệu và đi cùng kiểu chữ (font) của nó. Tức là được xếp trong một kiểu chữ độc đáo hoặc xếp đặt trong một cách đặt biệt. Một biểu tượng thương hiệu tiêu biểu được thiết kế nhằm tạo ngay công nhận trước mắt người xem. Logo được đánh giá như linh hồn, bộ mặt ngoại giao và niềm tự hào của mỗi doanh nghiệp. Logo là một biểu tượng sống và đem lại nguồn năng lượng mới cho doanh nghiệp, cho sự phát triển lâu dài bền vững của doanh nghiệp đó hoặc những thực thể khác trong những vãn cảnh ngoài mục đích kinh tế.
Ta có thể dựa vào những yếu tố sau để thiết kế logo cách đơn giản nhất:
- Dựa vào chức năng của doanh nghiệp, ta có thể sử dụng những hình ảnh, đường nét thể hiện ngành nghề của doanh nghiệp đó.
- Dựa vào tính chất, phong cách sản phẩm chủ chốt của doanh nghiệp. Ta có thể sử dụng những kiểu chữ dạng chữ ký, dạng cổ điển, dạng tròn trịa dễ thương kiểu baby. - Dựa vào tiềm năng phát triển hoặc thể hiện sức mạnh của doanh nghiệp, ta có thể sử dụng những hình ảnh động vật như chim đại bàng, rồng, sư tử, báo,… những hình ảnh có hướng đi lên như mũi tên, quả địa cầu,…để thể hiện sức mạnh của doanh nghiệp đó.
ến những xu hướng logo của từng năm để việc thiết kế đa dạng hơn. Mặc dù, xu hướng thiết kế logo rất khó để có thể nắm bắt. Vì cứ mỗi năm trôi qua, xu hướng mới lại thay thế những cái cũ. Một vài cái mới sẽ trở thành kiểu mẫu trong năm và số khác sẽ bị lãng quên.
Sau đây là 10 xu hướng thiết kế logo năm 2010 được sưu tập và biên tập dựa trên tài liệu từ internet mà các bạn nên quan tâm. 1. Logo dựa trên quan niệm (Conceptual Logos)
Đây là xu hướng hàm chứa nhiều sự sáng tạo nhất, chúng là sự lựa chọn đầu tiên cho sự khởi đầu của các công ty. Những logo này ẩn chứa các thông điệp trong từng thiết kế thông qua những hình ảnh đặc trưng của mình.
2. Logo dạng chữ ký (Signature Logos)
Chữ ký hay logo thiết kế bằng tay đã phát triển nhanh chóng trở thành một xu hướng cực kỳ phổ biến. Những thiết kế thủ công tuy khá thô sơ nhưng rất thịnh hành trong thời đại ngày nay. Khi người tiêu dùng ý thức về các thương hiệu, các nhà thiết kế cũng dần tập trung vào các logo dạng chữ ký.
3. Logo 3D
Logo 3D nhanh chóng trở thành xu hướng đương thời, phổ biến và cực kỳ thịnh hành đối với các doanh nghiệp. Khi thế giới bước vào thế giới không gian 3 chiều tràn đầy sức sống, cái tên 3D Logo cũng có những bước phát triển vượt bậc. 4. Logo đơn giản hóa (Minimalism Logos)
Nghệ thuật đơn giản hóa, được phát triển từ những năm 1960, đã trở lại với thời đại. Những logo này được thiết kế bằng những hiệu ứng đồ họa tối thiểu và nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng nhận biết những nội dung cũng như ý nghĩa bên trong chúng.
5. Logo chữ (Formal typeface Logos)
Xu hướng sử dụng những kiểu mẫu và định dạng ấn tượng trong tên gọi của thương hiệu lại 1 lần nữa nổi bật trong ngành thiết kế logo. Để khắc họa được sự thanh lịch, tao nhã và đẳng cấp của thực thể chủ đạo, những logo này được thiết kế với những hiệu ứng đầy sáng tạo.
6. Logo thiết kế kết hợp với nhiều hiệu ứng (Hybrid design Logos)
Đây là 1 trong những xu hướng thông minh nhất tính đến thời đại hiện nay. Những logo này là sự tổ hợp của 2 hay nhiều xu hướng thiết kề. Việc sử dụng liên tục nhiều thiết kế cùng các hiệu ứng ánh sáng hoặc kết hợp tên gọi các thương hiệu với hiệu ứng không gian 3 chiều đã tạo ra 1 xu hướng thiết kế lạ mắt. Hay nói cách khác đây là sự trộn lẫn của nhiều xu hướng thiết kế. 7.Logo thiết kế với những họa tiết chồng chéo liên tục (Sequential Logos)
Xu hướng này chỉ mới được phát triển trong những năm gần đây nhưng đã nhanh chóng được nhiều nhà thiết kế chú ý. Chúng thể hiện nhiều cử động liên tục, nhiều bước, thể hiện sự thăng tiến và lớn mạnh của các công ty. Những mẫu logo này khó có thể lọt ra ngoài tầm với của xu hướng phát triển logo toàn cầu trong những tháng tới. 8. Logo mang tính sinh thái (Eco SmartLogos)
Đây là xu hướng tiềm năng nhất được biết đến trên thế giới. Cùng với sự gia tăng những hiểu biết về môi trường sinh thái, các công ty ngày nay đã dần chuyển đổi các logo của mình theo hướng này nhằm tạo sự thân thiện hơn đối với môi trường, nâng cao trách nhiệm chung đối với xã hội. Và sản phẩm mới nhất của xu hướng này là logo của McDonald tại Châu Âu. 9. Logo thể hiện cảm xúc (Emotional Logos)
Những logo được thiết kế kèm theo những cảm xúc ngày càng nổi bật. Bởi người tiêu dùng hiện nay xem hàng hóa như những vật thể có tâm hồn. Những thương hiệu nổi tiếng đang cố gắng hòa quyện khách hàng của mình với những cung bậc tình cảm thông qua những logo này.
10. Logo có chiều hướng chuyển động (Gradient Logos)
Mặc dù xu hướng này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng nó cũng đang dần trở nên phổ biến. Những mẫu logo này trong quá khứ bị chỉ trích vì chi phí in ấn quá đắt đỏ và khó thực hiện. Nhưng ngày nay, các nhà thiết kế đã chấp nhận sự thật rằng chiều sâu của chúng tạo cho thiết kế của họ vẻ ngoài chau chuốt và những nét mới lạ.
III. Cách chọn màu chủ đạo cho doanh nghiệp
Ngoài logo thì một trong những đặc điểm cơ bản nhất nhận diện thương hiệu là màu sắc và họa tiết. Nó cũng không kém phần quan trọng, vì nó tạo thêm điểm nhấn cũng như độ nhận biết và sự khác biệt với những nhãn hiệu cùng ngành. Cách chọn màu sắc phù hợp với ngành nghề hoặc một vài đường nét cũng như họa tiết từ logo hoặc cách điệu từ sản phẩm chủ chốt của doanh nghiệp cho hệ thống nhận diện thêm thẩm mỹ trong việc trang trí cho các sản phẩm của bộ nhận diện thương hiệu. Những họa tiết này phải thật đơn giản và khiêm tốn, đủ để bộ sản phẩm thêm sinh động mà không gây nặng nề trong bố cục thiết kế. Để chọn màu như thế nào cho phù hợp, chúng ta cần lưu ý các yếu tố:
- Thể hiện được màu đặc trưng sản phẩm chủ chốt của doanh nghiệp. Vd: doanh nghiệp sản xuất café, ta chọn màu chủ đạo là màu nâu. Doanh nghiệp sản xuất nước khoáng, ta chọn màu xanh dương. Doanh nghiệp sản xuất điện tử, ta chọn những màu xám, đỏ, xanh dương đậm.
- Thể hiện được phong cách của sản phẩm. vd: Doanh nghiệp sản xuất quần áo trẻ sơ sinh, ta chọn màu chủ đạo là những màu nhẹ nhàng, nhạt và dễ thương như hồng nhạt, xanh dương nhạt, xanh lá cây nhạt.
- Thể hiện được sức mạnh, tính năng động của doanh nghiệp. Vd: màu đỏ đậm, màu cam, màu xanh dương đậm, màu xám.
Các yếu tố tiếp theo mà phải tạo ra được sự nhất quán trong quá trình thiết kế thương hiệu, đó chính là biểu tượng, hình dáng và đường viền trang trí. Ví dụ, một công ty công nghệ cao có thể mô tả biểu tượng bằng các hình ảnh đậm nét, có góc cạnh, trong khi một cửa hàng quần áo có thể sử dụng các hình dáng tròn trịa, mềm mại hơn.
Hãy chọn hình dáng đơn giản, không rườm rà, điều này sẽ khiến cho khách hàng dễ nhớ và dễ nhận biết hơn. Con người nhớ các biểu tượng, hình dáng của thương hiệu một cách tổng thể chứ không phải từng chi tiết riêng biệt. Do đó một thiết kế đơn giản, nhưng độc đáo sẽ hiệu quả nhất.
Màu sắc không trùng với những thương hiệu cùng ngành để tránh sự nhầm lẫn của khách hàng và cũng không nên sử dụng quá nhiều màu cho thương hiệu, chỉ nên sử dụng một màu chủ đạo hoặc thêm một màu bổ sung mà thôi. Màu sắc có vai trò tăng độ nhận biết cũng như ghi nhớ.
Sau đây là ý nghĩa về màu sắc trong thiết kế, để giúp chúng ta chọn màu một cách dễ dàng hơn.
• Đen: thể hiện tính nghiêm túc, táo bạo, độc nhất, khỏe mạnh, quyền uy và cổ điển. Màu đen tạo ra kịch tính và sự tinh vi, phù hợp với các sản phẩm đắt tiền hoặc các ngành điện tử, nước hoa, mỹ phẩm, thời trang,…
• Xanh dương: cho người ta cảm nhận về sự tin tưởng và tính bảo đảm, vững bền. Màu xanh khiến người ta liên tưởng đến trời và biển, tạo cảm giác thanh bình, mát lạnh, sản khoái và truyền cho người ta sự tin cậy. Màu xanh dương phù hợp với các ngành du lịch, điện tử viễn thông, xây dựng, thời trang biển hoặc công sở, nước khoáng,…
• Xanh lá cây: nhìn chung, màu này bao hàm ý nghĩa sức khỏe, tươi mát, êm đềm, thanh bình và gần gủi với thiên nhiên. Gam màu đậm có ý nghĩa khác với màu nhạt, màu xanh lá cây đậm nằm trong nhóm màu cổ điển, tạo cảm giác ổn định, khỏe mạnh, khao khát, phát triển. Màu xanh nhạt cho cảm giác ngon miệng, mát mẻ, sạch sẽ, phù hợp với ngành thực phẩm, du lịch, thời trang trẻ, xây dựng, môi trường, mỹ phẩm chiết xuất từ thiên nhiên, y tế,…
• Đỏ: thường kích thích tuyến yên, làm tăng nhịp đập của tim và phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với màu đỏ khiến người ta năng nổ, mạnh mẽ, dễ bị kích thích. Màu đỏ tạo cảm giác hưng phấn, táo bạo, quyến rũ, sức mạnh, sự sống. Đồng thời cũng có ý nghĩa may mắn hoặc cảnh báo. Phù hợp với ngành điện tử, hóa chất, động cơ, thời trang lót, y tế,…
• Cam: tạo cảm giác vui vẻ, cởi mở, thân thiện, năng động và sức sống. Màu cam phù hợp với các ngành dịch vụ quán ăn, café, trường học, thời trang trẻ...
• Vàng, vàng kim: cả Đông và Tây đều coi màu vàng tượng trưng cho mặt trời và tùy vào độ đậm nhạt khác nhau mà người cảm nhận được sự lạc quan, sự sinh lực, tích cực và ấm áp, thể hiện sự giàu có, truyền thống. Màu vàng phù hợp với ngành sản phẩm sang trọng, đắt tiền như nữ trang, mỹ phẫm, các loại sa xí phẩm,…
• Tím: Tím đậm cho ta cảm giác tinh tế, bí ẩn, mạnh mẽ. Màu thích hợp để chọn làm thương hiệu cho những sản phẩm thuộc loại mang tính sáng tạo. Pha trộn giữa màu đỏ và xanh, màu tím kích thích điều huyền bí, sự tinh vi, sự coi trọng yếu tố tinh thần và màu tím thường gắn liền với hoàng tộc. Màu tím nhạt kích thích niềm hoài cổ và tính đa cảm, làm dịu tinh thần, trẻ trung. Màu phù hợp với ngành chăm sóc sắc đẹp như spa, thẩm mỹ viện, thời trang trẻ, trang trí nội thất,…
• Hồng: ngây thơ, mềm mại, trẻ trung, dễ thương, tín hiệu phát ra từ màu hồng là sự xúc cảm mãnh liệt. Màu hồng đậm thể hiện sinh lực, sự trẻ trung, vui nhộn và sôi nổi. Màu hồng thích hợp cho các sản phẩm không đắt tiền và có tính thời trang dành cho nữ và trẻ em. Màu hồng nhạt tạo cảm giác dễ mến.
• Xám: quyền uy, thực tế, trí lực, tin tưởng. Phù hợp với các ngành điện tử, thời trang, mỹ phẩm cho nam,…
• Trắng/bạc: tinh khiết, chân lý, niềm tin, tao nhã, giàu có, đương thời. Màu này hàm chứa sự đơn giản, sạch sẽ và tinh khiết. Màu trắng thích hợp cho các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, thời trang cưới,…
• Màu nâu: thể hiện tính mộc mạc, đơn giản, bền bỉ và ổn định, màu nâu lợt cho cảm giác gần gũi, thân thiện. Màu nâu phù hợp với ngành dịch vụ café, quán ăn,…
Bên cạnh tên, logo, màu sắc, họa tiết phải thống nhất trong bộ sản phẩm nhận diện thương hiệu còn có cả kiểu chữ. Thống nhất kiểu chữ về mặt nội dung trên tất cả các sản phẩm nhận diện thương hiệu.
4. Cách chọn font chữ:
Chỉ cần chọn một font chữ phù hợp với đặc điểm logo và phong cách của doanh nghiệp. Bạn chỉ nên sử dụng một hoặc hai loại font chữ, và trong đó có một kiểu đặc biệt và một kiểu đơn giản.
Hai kiểu phông chữ này nên được kết hợp sử dụng thường xuyên. Kiểu chữ đặc biệt có thể sử dụng cho câu slogan hoặc tên công ty, kiểu chữ đơn giản được sử dụng trong các tiêu đề, thông tin, nội dung, chữ số trong các biểu đồ, đoạn text ngắn hoặc những đoạn text không có màu sắc. Bạn nên tránh sử dụng nhiều hơn hai font chữ trong bộ nhận diện thương hiệu.
Từ những yếu tố trên ta thấy, hệ thống nhận diện Thương hiệu đã giữ một vai trò quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của Thương hiệu. Nó cho thấy một sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp, dễ dàng được chấp nhận về mặt nhận thức và nó trở nên một phần của văn hóa Công ty.
Một Hệ thống nhận diện Thương hiệu tốt phải thể hiện sự khác biệt một cách rõ ràng với những thương hiệu khác, nó mang tính thuyết phục và hấp dẫn cao, nó giới thiệu một hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp và thông qua nó người tiêu dùng có sự liên tưởng tức thì đến Thương hiệu. Đó là điều tạo nên sự thành công. Hệ thống nhận diện thương hiệu còn mang đến cho người tiêu dùng những giá trị cảm nhận về mặt lý tính (chất lượng tốt, mẫu mã đẹp…) và cảm tính (Chuyên nghiệp, có tính cách, đẳng cấp…), nó tạo một tâm lý mong muốn được sở hữu sản phẩm. Nó mang giá trị, thông điệp mạnh mẽ nhất của công ty tấn công vào nhận thức của người tiêu dùng. Sự nhất quán của Hệ thống nhận diện thương hiệu và việc sử dụng đồng bộ các phương tiện truyền thông sẽ làm cho mối quan hệ giữa mua và bán trở nên dễ dàng và gần gũi hơn. Giờ đây người tiêu dùng mua sản phẩm một cách chủ động, họ tự tin ra quyết định mua hàng bởi vì họ tin vào thương hiệu cũng như những giá trị ưu việt mà thương hiệu mang đến cho họ. Làm được điều này là bạn đã giúp khách hàng (doanh nghiệp) của bạn thắng được đối thủ cạnh tranh và xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của doanh nghiệp đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét