Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân

Lần đầu tiên xuất hiện trên thi đàn văn chương Việt Nam năm 1936, nhưng Nguyễn Tuân không có được độ chững chạc như các văn giới cùng thời: Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng,… Mãi cho đến năm 1940, nhà xuất bản “Tân Dân” ấn hành tập truyện “Vang bóng một thời”. Lúc này, ông đã có vị trí vững chắc trên thi đàn văn chương. Nguyễn Tuân được các văn giới cùng thời mệnh danh là “nhà ngôn ngữ”, là “nhà xê dịch”,…thậm chí ông còn được mệnh danh là “người chẻ sợi tóc làm tư”. Ông khẳng định vị trí của mình bằng một phong cách rất lạ. Phong cách của Nguyễn Tuân được giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh gói gọn trong một chữ “ngông”. Điều gì đã giúp Nguyễn Tuân có được niềm vinh dự lớn lao đến vậy? Sự trăn trở của bạn đọc dần dần được sáng rõ khi chúng ta tiếp cận sự nghiệp sáng tác của ông.
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân được chia làm 2 giai đoạn: trước và sau cách mạng.

1. Trước cách mạng
Trước cách mạng, Nguyễn Tuân là một nhà văn lãng mạn tiêu biểu nhưng ông lại không có chân trong nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” với Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Thế có nghĩa là Nguyễn Tuân không thoát li với cuộc sống, không tô hồng bôi đen cuộc đời.
Trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân viết thành công ba đề tài chính sau đây:

a. Chủ nghĩa xê dịch
Ở đề tài chủ nghĩa xê dịch, Nguyễn Tuân bị ảnh hưởng của trào lưu văn học Phương Tây-văn học Pháp. Người mà Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả đó là nhà văn Pháp A.Gide-người đi đầu chủ nghĩa xê dịch. “Xê dịch” hiểu nôm na là sự vận động. Người theo đề tài này thường viết về đường xá, xe cộ, sông nước và thác dữ. Người theo chủ nghĩa xê dịch thường thích đi đó đây để thay đổi thực đơn trong nhãn quan tâm hồn mình. Nguyễn Tuân đã đặt chân trên mọi miền đất nước hình chữ S thân yêu. Đi đến đâu ông cũng ghi lại cảnh đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua hai tác phẩm: “Thiếu quê hương” và “Một chuyến đi”. Ai đã từng đọc 2 tác phẩm này của Nguyễn Tuân đẽ dàng nhận thấy một Nguyễn Tuân với tình yêu quê hương đất nước thầm kín mà sâu sắc. Đó là tình yêu giang sơn Tổ quốc của “một thời đại trong thi ca”, mà Chế Lan Viên đã từng viết:
“Nhân dân ở quanh ta mà sao chẳng thấy  
                                               Tổ quốc ở quanh mình mà có cũng như không”.
Còn Nguyễn Tuân thì viết:
“Sống giữa quê hương vẫn thấy mình thiếu quê hương”.
        b. Đề tài vang bóng
        Cũng như biết bao nghệ sĩ lãng mạn, họ chìm đắm trong vòng cái “tôi” cô đơn. Họ không tin tưởng vào hiện tại, hoài nghi cả tương lai, họ quay trở về với quá khứ còn vang bóng. Nguyễn Tuân không nằm ngoại lệ. Ông trở về với thú vui tao nhã của nho sĩ cuối mùa với nền Hán học bị suy tàn như thú thả thơ, chơi chữ trong tác phẩm “Dòng chữ cuối cùng” và được đổi tên thành “Chữ người tử tù”. Thú uống trà trong “ Những chiếc ấm đất”. Thú chém người của nhân vật Bát Lê trong “Bữa rượu máu”. Sở dĩ Nguyễn Tuân say sưa với những thú chơi của nho sĩ bởi ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học ở làng Mọc, Nhân Chính. Cụ thân sinh của Nguyễn Tuân là cụ Tú Hải - người rất có ý thức con mình trên nếp gia phong đã bị suy tàn. Ngay từ thuở nhỏ, các bậc tao nhân mặc khách thường qua lại gia đình Nguyễn Tuân để đàm đạo văn chương với cha ông. Vì vậy Nguyễn Tuân đã bị ảnh hưởng bởi cái “ngông” của Nguyễn Công Trứ, của Cao Bá Quát.
        Toàn bộ những thú chơi tao nhã được Nguyễn Tuân viết trong 11 truyện ngắn do nhà xuất bản Tân Dân ấn hành năm 1940 thành một tập truyện với nhan đề “Vang bóng một thời”. Ai đã từng đọc “Vang bóng một thời” lại thấy hiện lên chân dung của Nguyễn Tuân - một nhà văn cả đời theo chủ nghĩa duy mỹ, cả đời phụng sự cái đẹp, phụng sự hai chữ “thiên lương” trong sáng.

        c. Đề tài xa hoa trụy lạc
        Cũng như các nghệ sĩ lãng mạn đương thời đi đến tận cũng của nỗi buồn, Chế Lan Viên đã thanh rằng:
“Trời ơi! Chán nản đương vây phủ

Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang”
Còn Xuân Diệu thì viết:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”
         Lúc ấy, Nguyễn Tuân xa vào lối xa hoa trụy lạc. Nguyễn Tuân thường đi nghe hát ả Đào ở ngõ chợ Khâm Thiên. Nguyễn Tuân cũng hay ngồi bàn đèn để hút sách. Toàn bộ những thú chơi này được Nguyễn Tuân ghi lại trong tác phẩm “Chiếc ngư đồng mắt cua”. Ai đã từng đọc tác phẩm này lại thấy một Nguyễn Tuân hiện lên trung thực với chính lòng mình - một Nguyễn Tuân đầy bản lĩnh.

        Bên cạnh ba đề tài kể trên, Nguyễn Tuân còn viết về đề tài ma quái theo lối “Liêu trai chí dị” nhưng ông không thành công.

2. Sau cách mạng
        Cuộc cách mạng tháng Tám đã làm thay đổi thời đại. Nếu như đêm trước của cuộc cách mạng, người dân Việt Nam phải sống kiếp trâu ngựa, nô lệ thì sau cách mạng tháng Tám, họ đã đi vào cuộc kháng chiến của dân tộc để trở thành những anh hùng. Thời đại thay đổi, tư tưởng của người nghệ sĩ cũng đổi thay bởi Banzắc đã từng nói: “Nhà văn là thư ký trung thành của thời đại”.
        Nhận thức được điều này, Chế Lan Viên đã làm một cuộc hành trình: phá cô đơn để băng đến với đời. Còn Nguyễn Tuân – người đi đầu trong cuộc “lột xác” từ cái “tôi” cô đơn đến cái “ta” của cộng đồng. Nguyễn Tuân đã thay đổi quan điểm sáng tác của mình.. Nếu trước cách mạng tháng Tám ông đi tìm chủ nghĩa anh hùng của “một thời vang bóng” với những con người lớn lao, kỳ vĩ thì sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân đã tìm thấy chủ nghĩa anh hùng ở ngay trong đời sống nhân dân. Nghĩa là Nguyễn Tuân không còn tâm trạng:
“Sống giữa quê hương vẫn thấy mình thiếu quê hương”.
        Ông viết nhiều về anh bộ đội, chị dân quân, anh du kích. Đó là “chất vàng mười đã qua thử lửa” – nói như Nguyễn Tuân. Còn Nguyễn Minh Châu gọi chủ nghĩa anh hùng ấy là:
“Viên ngọc ẩn dấu trong chiều sâu tâm hồn của con người Việt Nam”.
        Sau cách mạng, Nguyễn Tuân góp mình vào thi đàn văn chương Việt Nam thể loại “tùy bút”. Đây là một thể loại rất “kén” nhà văn. Bởi người viết “tùy bút” cần phải có một phông kiến thức rộng, ngòi bút phải phóng khoáng, thoải mái. Câu văn “tùy bút” phải phóng túng, thoải mái, dài, ngắn, co, duỗi nhịp nhàng. Nếu ai đã từng đọc tập tùy bút “Sông Đà” hay bài ký “Người lái đò Sông Đà” – linh hồn của tập tùy bút “Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân thì dễ dàng nhận thấy: Nguyễn Tuân đã làm chủ kiến thức về quân sự khi mô tả những tướng đá bày ra những trùng vi thạch trận để lừa bất kỳ con thuyền nào qua đây. Ông làm chủ lĩnh vực điện ảnh khi ông đưa ra được nghệ thuật “Ngược sáng”. Ông làm chủ lĩnh vực địa lý khi ông mô tả tường tận, chính xác 50 trên tông 73 con thác dữ từ ngã ba biên giới Việt – Trung về tới Chợ Bờ.
        Hai thiên tùy bút tiêu biểu nhất cho sự nghiệp của Nguyễn Tuân: “Hà Nội đánh Mỹ giỏi” và “Tùy bút Sông Đà” – gồm 15 bài ký. Ngoài ra nhắc đến sự nghiệp của Nguyễn Tuân ta không thể bỏ qua được những bài phê bình của ông. Nguyễn Tuân viết nhiều về những bài phê bình và tiểu phê bình về: Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà và nhất là các nhà văn hiện thực phê phán cùng thời với ông. Chẳng hạn khi đọc xong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, mặc dù kết thúc tác phẩm là cảnh: 
“Buông tay chị vội choàng dậy, mở cửa chạy ra ngoài. Ngoài trời tối đen như mực, như tiền đồ của chị”.
 Vậy mà Nguyễn Tuân lại rất lạc quan khi viết trong bài tiểu luận phê bình của mình:
 “Tôi nhớ như đã có lần nào tôi gặp chị Dậu trong một đám đông đi phá kho thóc Nhật trong những ngày huyện kỳ khởi nghĩa, địch hậu o ép chị Dậu tải lương, đậy nắp hầm cho cán bộ, bộ đội cơ sở”.
        Nguyễn Tuân còn nhận thấy “sừng sững hiện lên trên cánh đồng lúa ngày xưa bức tranh chân dung của chị Dậu. Mặc dù bức tranh ấy thiếu đi ánh sáng của Đảng chiếu vào nhưng dù sao tôi vẫn thích bức tranh này”.


        Với tất cả sự nghiệp kể trên, Nguyễn Tuân xứng đáng là một nhà văn lớn trên thi đàn văn chương Việt Nam. Nhắc đến văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, mỗi người yêu văn không thể không nhắc đến bút danh “Tuấn thừa sắc” với một phong cách nghệ thuật đặc biệt – phong cách ấy gói gọn trong một chữ “ngông” – như lời của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh.Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét